Chính trị - Ngoại giao   22/02/2024

Vì sao quan hệ biên giới Thái Lan - Malaysia trở nên tích cực?

Vấn đề an ninh biên giới giữa Thái Lan và Malaysia có yếu tố tôn giáo và đã trải qua nhiều thăng trầm, song năm 2023 chứng kiến những tiến triển tích cực, với các tương tác và một loạt thỏa thuận được thiết lập.

Image
Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim gặp người đồng cấp Thái Lan Srettha Thavisin tại Putrajaya, Malaysia ngày 11/10/2023 - (C): Trang web chính thức của Văn phòng Thủ tướng Malaysia

Từ năm 2004 đến nay, tình hình bạo loạn ở khu vực biên giới thu hút sự quan tâm của hai quốc gia láng giềng là Thái Lan và Malaysia. Trong đó, ba tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat của Thái Lan là các địa điểm chính của phong trào nổi dậy do người theo Hồi giáo sống tại chính những địa phương trên thực hiện (các khu vực này có tới 84% dân số theo Hồi giáo). Cộng đồng theo Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan chủ yếu là người gốc Mã Lai (Malay), trong khi người theo Phật giáo thường là người gốc Thái. Về bản chất, mâu thuẫn tại miền Nam Thái Lan là do tâm lý bất mãn từ khác biệt về tôn giáo, với việc người theo Hồi giáo cho rằng họ bị chính phủ Thái Lan đối xử không công bằng khi so với những người theo Phật giáo.

Để chống lại các cuộc nổi dậy, Thái Lan đã triển khai một số lượng đáng kể quân đội, bán quân sự và cảnh sát ở cả ba tỉnh trên. Chính phủ Thái Lan cũng đã mở nhiều vòng đàm phán với nhóm Barisan Revolusi Nasional (BRN) - một phong trào đòi độc lập của người Hồi giáo Patani ở miền Bắc Malaysia và miền Nam Thái Lan - nhưng cho đến nay cuộc nổi dậy vẫn chưa kết thúc. Về phía Malaysia, nước này từ lâu cũng đã quan tâm đến an ninh và sự ổn định của miền Nam Thái Lan, vì tình trạng bất ổn ở nơi đây là nguồn gốc của lo ngại về an ninh và chính trị cho Kuala Lumpur.

Mặc dù Thái Lan và Malaysia đều quan tâm đến vấn đề xung đột tôn giáo ở miền Nam Thái Lan, song không phải lúc nào hai nước cũng “nhìn về một hướng”. Điều này đã làm cho quan hệ song phương có những lúc “bấp bênh”. Tuy vậy, kể từ khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim lên nắm quyền vào tháng 11/2022, quan hệ biên giới giữa Malaysia và Thái Lan trong năm 2023 đã có chuyển biến tích cực.  

Những “thăng trầm” trong quá khứ         

Ngay từ năm 2004 (năm đầu tiên xảy ra bạo loạn), Thái Lan đã xem đây là vấn đề hệ trọng, thể hiện qua việc nước này duy trì đàm phán hòa bình với nhóm BRN. Trong khi đó, Malaysia lại từng có căng thẳng ngoại giao với Thái Lan trong giai đoạn 2005 - 2013. Vào năm 2005, Thủ hiến bang Kelantan lúc đó là Nik Aziz Nik Mat đã bày tỏ quan ngại đối với cuộc đàn áp của quân đội Thái Lan, khiến cho 131 người Hồi giáo sống tại Thái Lan phải chạy trốn sang Malaysia vì cảm thấy bị đe dọa. Thái Lan phản ứng bằng cách triệu tập Đại sứ Malaysia tại Bangkok để trao công hàm phản đối chính thức về việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Mặc dù Malaysia cuối cùng đã hồi hương nhóm người trên, nhưng vụ việc này đã khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng trong nhiều năm sau đó.

Quan hệ song phương dần được cải thiện dưới thời Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Bước tiến đáng chú ý là vào năm 2013 khi chính phủ Malaysia tham gia ký kết một thỏa thuận cùng các quan chức an ninh cấp cao Thái Lan và các thành viên của BRN tại thủ đô Kuala Lumpur. Sự kiện đó đánh dấu Malaysia chính thức tham gia vào tiến trình đối thoại với vai trò trung gian. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của ông Razak, Malaysia và Thái Lan đã tổ chức nhiều hoạt động Tham vấn Thường niên (Annual Consultation - AC) để bàn thảo về các vấn đề song phương, trong đó có vấn đề biên giới. AC là cơ chế song phương cấp cao nhất giữa Thái Lan và Malaysia, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Thủ tướng, cũng như các Bộ trưởng liên quan của cả hai nước, từ đó cung cấp sự đánh giá và theo dõi việc hợp tác song phương.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Razak không còn nắm quyền, mối quan hệ song phương đã trở nên nguội lạnh, thể hiện rõ nhất qua việc hai nước không còn duy trì cơ chế AC. Mặc dù vậy, điểm sáng là Malaysia vẫn không từ bỏ vai trò trung gian đàm phán của mình, và vòng đàm phán thứ tư, thứ năm đã được tổ chức ở Kuala Lumpur vào năm 2022.  

Tình hình khởi sắc trở lại

Trái ngược với sự nguội lạnh hậu nhiệm kỳ của ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia đương nhiệm là Anwar Ibrahim có nhiều nỗ lực nhằm đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo phát triển. Cụ thể, chính phủ Malaysia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim đã bổ nhiệm Tướng Tan Sri Zulkifli Zainal Abidin làm Trưởng đoàn đàm phán tiến trình đối thoại hòa bình miền Nam Thái Lan, thay thế ông Tan Sri Abdul Rahim Mohd Noor (người đã giữ chức vụ này trong 15 năm kể từ năm 2008). Bước đi này cho thấy chính phủ Malaysia muốn mang lại hy vọng mới trong tiến trình đàm phán hòa bình. Hơn nữa, với tư cách là cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ (Chief of Defence Forces), ông Zulkifli có mối quan hệ thân thiện với Thái Lan, do đó có thể tạo sự thoải mái hơn giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Anwar đã thăm chính thức Thái Lan vào tháng 2 năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên sau bảy năm thủ tướng của hai quốc gia mới hội đàm song phương trở lại. Chưa dừng lại ở đó, phần còn lại của năm 2023 đã chứng kiến thêm bốn cuộc gặp song phương khác giữa Thủ tướng Anwar với Thủ tướng Thái Lan mới đắc cử Srettha Thavisin lần lượt vào tháng 9, 10, 11, và 12. Ngoài ra, Phó Thủ tướng mới của Thái Lan là Somsak Thepsutin đã có chuyến thăm tới Malaysia chỉ vài ngày sau cuộc gặp giữa hai Thủ tướng vào tháng 10. Nội dung chính của tất cả các cuộc gặp đều nhằm khôi phục và tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề nổi dậy ở miền Nam Thái Lan, cũng như thảo luận về kết nối xuyên biên giới giữa hai nước. Trong đó, cuộc gặp vào tháng 2 và tháng 9 đóng vai trò tái kết nối, từ đó giúp cuộc gặp vào tháng 10 đạt được các thỏa thuận hợp tác mới, và các cuộc gặp tiếp theo thảo luận để phát huy kết quả trước đó. 

Trong cuộc gặp vào tháng 10, Thái Lan và Malaysia đã nhất trí biến biên giới chung giữa hai nước thành khu vực thương mại kéo dài từ trạm kiểm soát Sadao (tỉnh Songkhla, Thái Lan), đến trạm kiểm soát Bukit Kayu Hitam (bang Kedah, Malaysia). Đồng thời, Thái Lan và Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm trong bốn lĩnh vực, trong đó có thương mại ở biên giới. Hai nước còn lên kế hoạch triển khai dự án xây dựng đường nối biên giới từ tháng 2 năm nay. Kế hoạch đầu tiên là xây dựng một tuyến đường bộ kết nối trạm kiểm soát Sadao mới đến trạm kiểm soát Bukit Kayu Hitam. Phía Thái Lan đồng thời cũng xây trạm kiểm soát Sadao mới để thay thế trạm cũ nhỏ hơn và không thể mở rộng. Kế hoạch còn lại là xây cầu Su-ngai Kolok nối tỉnh Narathiwat với bang Kelantan. 

Thêm vào đó, để tạo sự thuận lợi cho tiến trình đàm phán, chính phủ của Thủ tướng Thavisin đã bổ nhiệm ông Chatchai Bangchuad - Phó Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia làm Trưởng đại diện mới trong các cuộc đàm phán hòa bình ở miền Nam Thái Lan, thay thế Đại tướng Wanlop Rugsanoh (người được chính phủ tiền nhiệm bổ nhiệm). Ông Chatchai là công chức dân sự đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này, phù hợp với định hướng của Thủ tướng về việc mong muốn bổ nhiệm một nhân vật dân sự làm Trưởng đại diện mới hơn là một tướng lĩnh quân đội, nhằm đảm bảo tính độc lập và cải thiện hình ảnh của phái đoàn. Điều này cũng tạo ra sự cân bằng trên bàn đàm phán khi ông Zulkifli của phái đoàn Malaysia cũng là quan chức dân sự sau khi về hưu. 

Những nỗ lực kết nối của hai nước đã giúp vòng đàm phán thứ sáu (diễn ra vào tháng 2 năm ngoái) đạt được bước đột phá mới khi các bên nhất trí về “Kế hoạch Chung Toàn diện hướng tới Hòa bình” (Joint Comprehensive Plan toward Peace), trong đó hướng tới lộ trình đưa ra một thỏa thuận hòa bình hoàn chỉnh vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến trình đàm phán hòa bình đang đình trệ, vì BRN từ chối tham gia các cuộc họp tiếp theo kể từ sau vòng đàm phán thứ sáu, với lý do chờ đợi phía Thái Lan hoàn tất thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử vào ngày 14/5.  

Dù có những mâu thuẫn trong quá khứ, nhưng các động thái tương tác dày đặc xuyên suốt năm 2023 cho thấy cả Thái Lan lẫn Malaysia đều coi trọng bên còn lại, đặc biệt là trong vấn đề an ninh biên giới. Có thể nhận thấy những đặc điểm chính trong quan hệ Thái Lan - Malaysia đối với vấn đề biên giới hiện nay là: “cùng phát triển, cùng thúc đẩy sự thịnh vượng, và cùng giải quyết mối lo ngại về an ninh”. Nếu Thái Lan và Malaysia vẫn tiếp tục duy trì nhịp độ quan hệ nồng ấm như hiện nay thì triển vọng cho vấn đề biên giới là rất tích cực, có thể kéo dài ít nhất cho đến kỳ bầu cử tiếp theo của một trong hai nước.

Từ năm 2004 đến nay, tình hình bạo loạn ở khu vực biên giới thu hút sự quan tâm của hai quốc gia láng giềng là Thái Lan và Malaysia. Trong đó, ba tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat của Thái Lan là các địa điểm chính của phong trào nổi dậy do người theo Hồi giáo sống tại chính những địa phương trên thực hiện (các khu vực này có tới 84% dân số theo Hồi giáo). Cộng đồng theo Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan chủ yếu là người gốc Mã Lai (Malay), trong khi người theo Phật giáo thường là người gốc Thái. Về bản chất, mâu thuẫn tại miền Nam Thái Lan là do tâm lý bất mãn từ khác biệt về tôn giáo, với việc người theo Hồi giáo cho rằng họ bị chính phủ Thái Lan đối xử không công bằng khi so với những người theo Phật giáo.

Để chống lại các cuộc nổi dậy, Thái Lan đã triển khai một số lượng đáng kể quân đội, bán quân sự và cảnh sát ở cả ba tỉnh trên. Chính phủ Thái Lan cũng đã mở nhiều vòng đàm phán với nhóm Barisan Revolusi Nasional (BRN) - một phong trào đòi độc lập của người Hồi giáo Patani ở miền Bắc Malaysia và miền Nam Thái Lan - nhưng cho đến nay cuộc nổi dậy vẫn chưa kết thúc. Về phía Malaysia, nước này từ lâu cũng đã quan tâm đến an ninh và sự ổn định của miền Nam Thái Lan, vì tình trạng bất ổn ở nơi đây là nguồn gốc của lo ngại về an ninh và chính trị cho Kuala Lumpur.

Mặc dù Thái Lan và Malaysia đều quan tâm đến vấn đề xung đột tôn giáo ở miền Nam Thái Lan, song không phải lúc nào hai nước cũng “nhìn về một hướng”. Điều này đã làm cho quan hệ song phương có những lúc “bấp bênh”. Tuy vậy, kể từ khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim lên nắm quyền vào tháng 11/2022, quan hệ biên giới giữa Malaysia và Thái Lan trong năm 2023 đã có chuyển biến tích cực.  

Những “thăng trầm” trong quá khứ         

Ngay từ năm 2004 (năm đầu tiên xảy ra bạo loạn), Thái Lan đã xem đây là vấn đề hệ trọng, thể hiện qua việc nước này duy trì đàm phán hòa bình với nhóm BRN. Trong khi đó, Malaysia lại từng có căng thẳng ngoại giao với Thái Lan trong giai đoạn 2005 - 2013. Vào năm 2005, Thủ hiến bang Kelantan lúc đó là Nik Aziz Nik Mat đã bày tỏ quan ngại đối với cuộc đàn áp của quân đội Thái Lan, khiến cho 131 người Hồi giáo sống tại Thái Lan phải chạy trốn sang Malaysia vì cảm thấy bị đe dọa. Thái Lan phản ứng bằng cách triệu tập Đại sứ Malaysia tại Bangkok để trao công hàm phản đối chính thức về việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Mặc dù Malaysia cuối cùng đã hồi hương nhóm người trên, nhưng vụ việc này đã khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng trong nhiều năm sau đó.

Quan hệ song phương dần được cải thiện dưới thời Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Bước tiến đáng chú ý là vào năm 2013 khi chính phủ Malaysia tham gia ký kết một thỏa thuận cùng các quan chức an ninh cấp cao Thái Lan và các thành viên của BRN tại thủ đô Kuala Lumpur. Sự kiện đó đánh dấu Malaysia chính thức tham gia vào tiến trình đối thoại với vai trò trung gian. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của ông Razak, Malaysia và Thái Lan đã tổ chức nhiều hoạt động Tham vấn Thường niên (Annual Consultation - AC) để bàn thảo về các vấn đề song phương, trong đó có vấn đề biên giới. AC là cơ chế song phương cấp cao nhất giữa Thái Lan và Malaysia, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Thủ tướng, cũng như các Bộ trưởng liên quan của cả hai nước, từ đó cung cấp sự đánh giá và theo dõi việc hợp tác song phương.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Razak không còn nắm quyền, mối quan hệ song phương đã trở nên nguội lạnh, thể hiện rõ nhất qua việc hai nước không còn duy trì cơ chế AC. Mặc dù vậy, điểm sáng là Malaysia vẫn không từ bỏ vai trò trung gian đàm phán của mình, và vòng đàm phán thứ tư, thứ năm đã được tổ chức ở Kuala Lumpur vào năm 2022.  

Tình hình khởi sắc trở lại

Trái ngược với sự nguội lạnh hậu nhiệm kỳ của ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia đương nhiệm là Anwar Ibrahim có nhiều nỗ lực nhằm đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo phát triển. Cụ thể, chính phủ Malaysia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim đã bổ nhiệm Tướng Tan Sri Zulkifli Zainal Abidin làm Trưởng đoàn đàm phán tiến trình đối thoại hòa bình miền Nam Thái Lan, thay thế ông Tan Sri Abdul Rahim Mohd Noor (người đã giữ chức vụ này trong 15 năm kể từ năm 2008). Bước đi này cho thấy chính phủ Malaysia muốn mang lại hy vọng mới trong tiến trình đàm phán hòa bình. Hơn nữa, với tư cách là cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ (Chief of Defence Forces), ông Zulkifli có mối quan hệ thân thiện với Thái Lan, do đó có thể tạo sự thoải mái hơn giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Anwar đã thăm chính thức Thái Lan vào tháng 2 năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên sau bảy năm thủ tướng của hai quốc gia mới hội đàm song phương trở lại. Chưa dừng lại ở đó, phần còn lại của năm 2023 đã chứng kiến thêm bốn cuộc gặp song phương khác giữa Thủ tướng Anwar với Thủ tướng Thái Lan mới đắc cử Srettha Thavisin lần lượt vào tháng 9, 10, 11, và 12. Ngoài ra, Phó Thủ tướng mới của Thái Lan là Somsak Thepsutin đã có chuyến thăm tới Malaysia chỉ vài ngày sau cuộc gặp giữa hai Thủ tướng vào tháng 10. Nội dung chính của tất cả các cuộc gặp đều nhằm khôi phục và tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề nổi dậy ở miền Nam Thái Lan, cũng như thảo luận về kết nối xuyên biên giới giữa hai nước. Trong đó, cuộc gặp vào tháng 2 và tháng 9 đóng vai trò tái kết nối, từ đó giúp cuộc gặp vào tháng 10 đạt được các thỏa thuận hợp tác mới, và các cuộc gặp tiếp theo thảo luận để phát huy kết quả trước đó. 

Trong cuộc gặp vào tháng 10, Thái Lan và Malaysia đã nhất trí biến biên giới chung giữa hai nước thành khu vực thương mại kéo dài từ trạm kiểm soát Sadao (tỉnh Songkhla, Thái Lan), đến trạm kiểm soát Bukit Kayu Hitam (bang Kedah, Malaysia). Đồng thời, Thái Lan và Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm trong bốn lĩnh vực, trong đó có thương mại ở biên giới. Hai nước còn lên kế hoạch triển khai dự án xây dựng đường nối biên giới từ tháng 2 năm nay. Kế hoạch đầu tiên là xây dựng một tuyến đường bộ kết nối trạm kiểm soát Sadao mới đến trạm kiểm soát Bukit Kayu Hitam. Phía Thái Lan đồng thời cũng xây trạm kiểm soát Sadao mới để thay thế trạm cũ nhỏ hơn và không thể mở rộng. Kế hoạch còn lại là xây cầu Su-ngai Kolok nối tỉnh Narathiwat với bang Kelantan. 

Thêm vào đó, để tạo sự thuận lợi cho tiến trình đàm phán, chính phủ của Thủ tướng Thavisin đã bổ nhiệm ông Chatchai Bangchuad - Phó Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia làm Trưởng đại diện mới trong các cuộc đàm phán hòa bình ở miền Nam Thái Lan, thay thế Đại tướng Wanlop Rugsanoh (người được chính phủ tiền nhiệm bổ nhiệm). Ông Chatchai là công chức dân sự đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này, phù hợp với định hướng của Thủ tướng về việc mong muốn bổ nhiệm một nhân vật dân sự làm Trưởng đại diện mới hơn là một tướng lĩnh quân đội, nhằm đảm bảo tính độc lập và cải thiện hình ảnh của phái đoàn. Điều này cũng tạo ra sự cân bằng trên bàn đàm phán khi ông Zulkifli của phái đoàn Malaysia cũng là quan chức dân sự sau khi về hưu. 

Những nỗ lực kết nối của hai nước đã giúp vòng đàm phán thứ sáu (diễn ra vào tháng 2 năm ngoái) đạt được bước đột phá mới khi các bên nhất trí về “Kế hoạch Chung Toàn diện hướng tới Hòa bình” (Joint Comprehensive Plan toward Peace), trong đó hướng tới lộ trình đưa ra một thỏa thuận hòa bình hoàn chỉnh vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến trình đàm phán hòa bình đang đình trệ, vì BRN từ chối tham gia các cuộc họp tiếp theo kể từ sau vòng đàm phán thứ sáu, với lý do chờ đợi phía Thái Lan hoàn tất thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử vào ngày 14/5.  

Dù có những mâu thuẫn trong quá khứ, nhưng các động thái tương tác dày đặc xuyên suốt năm 2023 cho thấy cả Thái Lan lẫn Malaysia đều coi trọng bên còn lại, đặc biệt là trong vấn đề an ninh biên giới. Có thể nhận thấy những đặc điểm chính trong quan hệ Thái Lan - Malaysia đối với vấn đề biên giới hiện nay là: “cùng phát triển, cùng thúc đẩy sự thịnh vượng, và cùng giải quyết mối lo ngại về an ninh”. Nếu Thái Lan và Malaysia vẫn tiếp tục duy trì nhịp độ quan hệ nồng ấm như hiện nay thì triển vọng cho vấn đề biên giới là rất tích cực, có thể kéo dài ít nhất cho đến kỳ bầu cử tiếp theo của một trong hai nước.

Từ khoá: Thái Lan Malaysia Đông Nam Á ASEAN an ninh biên giới

BÀI LIÊN QUAN