Chính trị - Ngoại giao | An ninh - Quốc phòng   05/07/2024

AUKUS cân nhắc mời Nhật Bản tham gia: Liệu có thành công?

Trước sự “im lặng” của Nhật Bản trong việc gia nhập AUKUS, tổ chức cần nỗ lực nhiều hơn để củng cố sự gắn kết về an ninh và qua đó tăng cường năng lực răn đe Trung Quốc.

Image
Lãnh đạo ba nước thành viên AUKUS gặp nhau tại thành phố San Diego (bang California, Mỹ) vào tháng 3/2023 - (C): The White House

AUKUS, đối tác an ninh ba bên (trilateral security partnership) gồm Mỹ, Australia và Anh, được thành lập vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, phải chờ đến tháng 3/2023, các quốc gia này mới chính thức công bố mục đích lớn nhất của nhóm là hợp tác để trang bị tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN-AUKUS) cho Australia đến giữa thập niên 50, với tổng giá trị dự kiến lên tới 368 tỷ USD. Cụ thể hơn, thỏa thuận trên được xếp vào trụ cột I (pillar I) của AUKUS, đó là luân phiên triển khai các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ và lớp Astute của Anh tới các căn cứ quân sự ở Australia; trao đổi kinh nghiệm và đào tạo cho lực lượng Hải quân Australia; trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia. 

Cùng với đó, các nước thuộc AUKUS cũng xác định trụ cột II là ưu tiên hợp tác rộng rãi trong các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ lượng tử, vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh, chiến tranh điện tử tiên tiến, đổi mới và chia sẻ dữ liệu. 

Sau gần ba năm thành lập, vào ngày 8/4, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Anh và Australia đã nhóm họp và cho biết sẽ cân nhắc mời Nhật Bản tham gia vào trụ cột II của AUKUS. Đáng chú ý, AUKUS chỉ đề cập đến các từ khóa như “hợp tác” (cooperation) hay “cộng tác” (collaboration), thay vì trao tư cách thành viên chính thức cho Nhật Bản. 

Quyết định này đã vấp phải sự quan ngại và chỉ trích từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Theo đó, trong tuyên bố nhân chuyến thăm Papua New Guinea vào ngày 21/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích AUKUS, cho rằng khu vực Thái Bình Dương không nên trở thành đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc. Vài ngày sau đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm khẳng định Trung Quốc đặc biệt quan ngại về khả năng mở rộng AUKUS, vì việc này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực.

Về phía Triều Tiên, trong tuyên bố vào ngày 25/4, hãng thông tấn KCNA nhận định việc mở rộng AUKUS sẽ biến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành “bãi mìn hạt nhân” (nuclear minefield) luôn chực chờ phát nổ. Trong khi đó, khi phát biểu tại cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) ở thủ đô Astana (Kazakhstan) hôm 26/4, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo các cơ cấu quân sự và chính trị do Mỹ định hướng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn AUKUS, có nguy cơ làm cho hệ thống an ninh trong khu vực trở thành hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm.    

Tại sao AUKUS muốn đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản? 

Dự định kết nạp đối tác không phải là ý tưởng “một sớm một chiều” mà trên thực tế đã được các thành viên AUKUS đề cập từ nửa sau năm 2023. Vào tháng 7/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ hy vọng mời các đối tác khác tham gia AUKUS trong tương lai để góp phần tiếp tục phát triển nhóm. Một tháng sau, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đã đề xuất AUKUS nên mời Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia hợp tác về công nghệ (tức trụ cột II). Trong khi đó, hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết Canberra kỳ vọng hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản về phát triển công nghệ.

Việc mở rộng đối tác tham gia vào trụ cột II trước hết có thể giúp tăng cường sự gắn kết về trao đổi công nghệ quốc phòng, từ đó tối đa hóa cơ hội chia sẻ chuyên môn, tài nguyên, các nỗ lực nghiên cứu và phát triển chung giữa các bên. Nhật Bản là một ứng viên có thể đáp ứng mong đợi này từ phía AUKUS. Chẳng hạn, ông Marles nhận định Tokyo là “nơi của sự đổi mới” (place of innovation) và “đi đầu về công nghệ” (at the cutting edge of technology). Chia sẻ góc nhìn trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho rằng “rõ ràng có những lĩnh vực mà Nhật Bản có thể mang lại năng lực đáng kể. Chúng bao gồm robot tiên tiến, các sáng kiến về an ninh ​​mạng và một số nhiệm vụ trong tác chiến chống tàu ngầm”.

Từ phát biểu của ông Marles và ông Campbell, việc mong muốn hợp tác với Nhật Bản còn nhằm bổ sung năng lực để hiện thực hóa tham vọng của AUKUS trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến (tức trụ cột II). Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh nền tảng công nghiệp quốc phòng của các quốc gia phương Tây đang suy giảm đáng kể trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Chẳng hạn, một số ước tính cho rằng ngành công nghiệp của Mỹ chứng kiến mức suy giảm lên tới 70%

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thêm đối tác cho AUKUS được kỳ vọng hỗ trợ Mỹ củng cố và duy trì hệ thống trật tự quốc tế mà nước này đã dẫn đầu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trật tự này đang bị thách thức bởi sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia trên khắp thế giới. 

Vào tháng 1, một quốc đảo ở Thái Bình Dương là Nauru đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan, thay vào đó thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Cũng trong tháng 1, Ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkatchenko xác nhận nước này đang đàm phán với Trung Quốc để sớm ký kết một thỏa thuận an ninh (mặc dù quốc đảo Thái Bình Dương trên có mối quan hệ an ninh rất tốt với Australia). Vì thế, AUKUS càng có động lực để mở rộng phạm vi hợp tác với các đồng minh bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường sức răn đe mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, ngăn quốc gia này phá vỡ trật tự hiện hành.  

Về phía Nhật Bản, trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (National Defense Strategy) được công bố vào năm 2022, nước này cũng xác định rõ rằng “Trong thời đại mà chiến thắng hay thất bại được quyết định bằng việc làm chủ các phương thức chiến tranh mới với những công nghệ tiên tiến, việc tận dụng các công nghệ hiện đại cho mục đích quốc phòng càng trở nên quan trọng”. Vì thế, việc hợp tác với AUKUS thông qua trụ cột II là cơ hội tốt để Tokyo tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) chung với Mỹ, Australia và Anh, hướng đến “thúc đẩy nền quốc phòng toàn diện”.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân chuyến thăm chính thức đến Washington hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tỏ ra thận trọng khi cho rằng Tokyo nhất quán ủng hộ và đang tăng cường hợp tác quốc phòng cùng Mỹ, Anh, và Australia; tuy nhiên, “hiện chưa có gì được quyết định” (nothing has been decided at this moment) về việc hợp tác trực tiếp với AUKUS. Trên thực tế, Nhật Bản cũng chưa từng công khai bày tỏ mong muốn hợp tác cùng nhóm đối tác an ninh này. Điều đó cho thấy: AUKUS có lẽ cần Nhật Bản hơn là Nhật Bản cần AUKUS. 

Mối ưu tiên hiện nay của Tokyo dường như đang tập trung vào việc cải thiện an ninh thông tin và ngăn chặn dữ liệu nhạy cảm bị rò rỉ. Vào ngày 10/5, Quốc hội đã thông qua “dự luật sử dụng thông tin mật” (security clearance bill), theo đó chính phủ có thể chỉ định thông tin nào là mật nếu xét thấy việc phổ biến thông tin đó có thể làm suy yếu an ninh quốc gia, và chỉ những cá nhân đã vượt qua kiểm tra lý lịch mới có thể truy cập được. Luật không nêu rõ những gì có thể được phân loại là tin mật, song các thông tin liên quan đến công nghệ tiên tiến dự kiến ​​sẽ được đưa vào nội dung này. Bất kỳ ai, sau khi được chứng minh là làm rò rỉ thông tin mật, sẽ bị trừng phạt tối đa 5 năm tù và/hoặc phạt tiền lên tới 5 triệu yen (khoảng 32.000 USD). 

Cơ chế an ninh nghiêm ngặt này có thể tác động đến lý do vì sao Nhật Bản vẫn chưa quan tâm đến AUKUS, vốn kỳ vọng các quốc gia chia sẻ thông tin bí mật về công nghệ quốc phòng.  

Trái ngược với Tokyo, nhiều quốc gia khác lại công khai mong muốn hợp tác với AUKUS. Trường hợp đầu tiên là New Zealand. Tại Hội nghị Tham vấn Bộ Trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia – New Zealand vào đầu tháng 2, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters đã đề cập đến triển vọng tham gia cùng AUKUS trong cuộc thảo luận. Cũng tại Hội nghị trên, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins khẳng định quốc gia này thực sự muốn xem xét cơ hội hợp tác với AUKUS, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và không gian. 

Hàn Quốc cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự như New Zealand. Tại Đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Hàn Quốc - Australia vào ngày 1/5, Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik cho biết Hàn Quốc đang xem xét việc chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến thuộc trụ cột II của AUKUS với các thành viên của tổ chức. Còn với Canada, Thủ tướng nước này là Justin Trudeau vào ngày 8/4 khẳng định đã trao đổi với các đối tác AUKUS về việc hợp tác, và thậm chí xa hơn là trở thành thành viên chính thức của tổ chức.

Tuy nhiên, như đã đề cập, AUKUS chỉ đang xem xét hợp tác với Nhật Bản, và không nhắc đến những quốc gia khác như New Zealand, Hàn Quốc và Canada. Trong bối cảnh Tokyo tỏ ra “khá thờ ơ” với động thái “đánh tiếng” của các nước thuộc AUKUS, nhiều khả năng tổ chức này sẽ chưa vội kết nạp thêm đối tác trong thời gian tới. 

Như vậy, AUKUS đã “bật đèn xanh” để cân nhắc mời Nhật Bản trở thành đối tác trong trụ cột II, với kỳ vọng tăng cường sự gắn kết về trao đổi công nghệ quốc phòng, hợp tác nâng cao năng lực, cũng như củng cố trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Tuy vậy, Tokyo vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức, trong khi nhiều quốc gia khác dù bày tỏ quan tâm nhưng hiện không nằm trong tầm ngắm của AUKUS. 

Khó cản bước tiến của Trung Quốc   

Trong khi Bắc Kinh đang đẩy nhanh các hoạt động mở rộng ảnh hưởng cả về chính trị lẫn kinh tế, thì có lẽ hai thành viên của AUKUS là Australia và Anh không thật sự chú trọng đến việc cản bước tiến của siêu cường này. Phải đến năm 2025, Anh mới có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lần thứ hai trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (lần trước đó vào năm 2021), nhưng chủ yếu là để tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. 

Hơn nữa, việc tham gia AUKUS của Anh có thể chủ yếu phục vụ cho các lợi ích kinh tế to lớn mà nước này hướng đến. Cụ thể, London là bên chịu trách nhiệm đóng chiếc tàu ngầm thế hệ mới SSN-AUKUS đầu tiên, sau đó sẽ chuyển giao cho Australia vào cuối những năm 2030, để từ đó Australia sản xuất những chiếc còn lại. Tuy nhiên, Anh vẫn là bên phụ trách chuyển giao lò phản ứng phản ứng hạt nhân làm giàu ở mức độ cao (HEU) – vốn được sử dụng trong những chiếc tàu ngầm. Điều này giúp mang lại gói thầu trị giá tổng cộng 4 tỷ bảng Anh (khoảng 5,1 tỷ USD) cho hai tập đoàn thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Anh là BAE Systems và Rolls-Royce (đơn vị cung cấp HEU). Cùng với đó, dự án sẽ góp phần tạo ra thêm hàng nghìn việc làm trong những thập kỷ tới, đặc biệt là ở thị trấn cảng Barrow-in-Furness (nơi đóng con tàu) và thành phố Derby (nơi đặt nhà máy Rolls-Royce Raynesway). Ngoài ra, dưới động lực của AUKUS, tập đoàn Rolls-Royce, kết hợp với Đại học Derby, Hội đồng Thành phố Derby, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Hạt nhân Tiên tiến và Trường Cao đẳng Hạt nhân Quốc gia đã thành lập “Học viện Kỹ năng Hạt nhân” (Nuclear Skills Academy) để đào tạo đội ngũ kỹ sư hạt nhân. 

Những sáng kiến ​​như vậy không chỉ có thể mang lại hiệu quả cho các hạm đội tàu ngầm của Anh trong tương lai, mà còn mang lại tác động mang tính chuyển đổi trong việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai của nước này, từ đó lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. 

Còn với Australia, động lực để ngăn chặn Trung Quốc thậm chí còn có thể ít hơn nữa. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Thủ tướng Anthony Albanese đã theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực hơn với Bắc Kinh. Có nhiều hoạt động ngoại giao đã diễn ra trong hai năm qua, thể hiện qua việc ông Albanese thăm Trung Quốc vào tháng 11/2023, và ở chiều ngược lại, Ngoại trưởng Vương Nghị và Thủ tướng Lý Cường lần lượt thăm Canberra trong tháng 3 và tháng 6 năm nay. Vì thế, Australia nhiều khả năng sẽ tiếp tục nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc sau những căng thẳng trong quan hệ song phương dưới thời Thủ tướng Scott Morrison thay vì cố gắng làm “phật lòng” đối tác của mình.            

Bên cạnh đó, tương tự như Anh, phía Australia cũng tham gia AUKUS chủ yếu vì những lợi ích riêng của mình. Australia mong muốn sở hữu đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để thay thế các tàu ngầm chạy bằng diesel, vì các tàu này hiện không còn phù hợp vì dễ bị phát hiện bởi vệ tinh, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, khiến chúng rất khó để di chuyển với phạm vi đường xa. Trong khi đó, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tàng hình tốt hơn, và tốc độ nhanh hơn gấp ba lần (khoảng 20 hải lý/giờ so với 6,5 hải lý/giờ của tàu diesel), nhờ đó có thể khắc phục những nhược điểm của các tàu chạy bằng diesel. 

Các đối tác tiềm năng của AUKUS như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng ở trong tình cảnh khó sẵn lòng gây áp lực đủ lớn lên Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo và Seoul. Thêm vào đó, vào tháng 5, ba quốc gia này đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh chung lần đầu tiên sau bốn năm tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), bàn luận về bảy vấn đề ưu tiên là giao lưu nhân dân; phát triển bền vững; kinh tế và thương mại; y tế công cộng và xã hội già hóa; khoa học, công nghệ; chuyển đổi kỹ thuật số; cứu trợ và an toàn thiên tai. Trong đó, nổi bật là nhất trí đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (Free Trade Agreement) giữa ba nước. Các quốc gia cũng nhất trí thể chế hóa tham vấn ba bên thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng và cấp cao định kỳ. 

Mặc dù nghi ngại về tham vọng ngày càng rõ ràng từ Trung Quốc, nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc về kinh tế với siêu cường này. Đối thoại ba bên cũng phản ánh thực tế rằng các nhà lãnh đạo vẫn cảm thấy cần phải giữ liên lạc với nhau, để cùng quản lý các căng thẳng trong khu vực. Trong tình thế như vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như chắc chắn không thể/không muốn thoát ly hoàn toàn khỏi các tương tác với Trung Quốc. Do đó, Tokyo và Seoul rất có thể cảm thấy rằng thời điểm hiện nay là chưa phù hợp để hợp tác chính thức với AUKUS, vốn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.       

Trước những áp lực chưa đủ lớn từ các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc không có lý do gì để làm chậm đi nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong thời gian tới, đặc biệt là với các quốc đảo Thái Bình Dương. Những quốc gia “tiềm năng” tiếp theo mà Trung Quốc có thể tiến hành chiến lược “tấn công quyến rũ” là Vanuatu (Bắc Kinh vừa tặng một khu phức hợp tòa nhà tổng thống) và quần đảo Solomon (Thủ tướng nước này dự kiến sẽ sớm tới thăm Trung Quốc).  

Về khía cạnh quân sự, Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân của mình. Trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc được nhận định là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất. Vào tháng 10/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có hơn 500 vũ khí hạt nhân đang hoạt động, và siêu cường châu Á dự kiến sẽ nhân đôi số lượng trên vào năm 2030. Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (U.S. Naval War College), Bắc Kinh đang phát triển hai chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là Type 095 (mang tên lửa hành trình) và Type 096 (mang tên lửa đạn đạo); nếu thuận lợi, các tàu này có thể đi vào hoạt động trong năm 2030. 

Tóm lại, sau gần ba năm thành lập, AUKUS đang bắt đầu cân nhắc mở rộng ảnh hưởng thông qua kết nạp thêm đối tác, nhưng hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Nhóm đối tác an ninh này cũng đang “hụt hơi” trong việc ngăn cản bước tiến của Trung Quốc cả về ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự. Do đó, AUKUS cần phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là Mỹ phải vận động hoặc gây sức ép để Anh và Australia cùng tham gia thực hiện các hành động thực chất hơn trong việc răn đe Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

AUKUS, đối tác an ninh ba bên (trilateral security partnership) gồm Mỹ, Australia và Anh, được thành lập vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, phải chờ đến tháng 3/2023, các quốc gia này mới chính thức công bố mục đích lớn nhất của nhóm là hợp tác để trang bị tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN-AUKUS) cho Australia đến giữa thập niên 50, với tổng giá trị dự kiến lên tới 368 tỷ USD. Cụ thể hơn, thỏa thuận trên được xếp vào trụ cột I (pillar I) của AUKUS, đó là luân phiên triển khai các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ và lớp Astute của Anh tới các căn cứ quân sự ở Australia; trao đổi kinh nghiệm và đào tạo cho lực lượng Hải quân Australia; trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia. 

Cùng với đó, các nước thuộc AUKUS cũng xác định trụ cột II là ưu tiên hợp tác rộng rãi trong các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ lượng tử, vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh, chiến tranh điện tử tiên tiến, đổi mới và chia sẻ dữ liệu. 

Sau gần ba năm thành lập, vào ngày 8/4, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Anh và Australia đã nhóm họp và cho biết sẽ cân nhắc mời Nhật Bản tham gia vào trụ cột II của AUKUS. Đáng chú ý, AUKUS chỉ đề cập đến các từ khóa như “hợp tác” (cooperation) hay “cộng tác” (collaboration), thay vì trao tư cách thành viên chính thức cho Nhật Bản. 

Quyết định này đã vấp phải sự quan ngại và chỉ trích từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Theo đó, trong tuyên bố nhân chuyến thăm Papua New Guinea vào ngày 21/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích AUKUS, cho rằng khu vực Thái Bình Dương không nên trở thành đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc. Vài ngày sau đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm khẳng định Trung Quốc đặc biệt quan ngại về khả năng mở rộng AUKUS, vì việc này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực.

Về phía Triều Tiên, trong tuyên bố vào ngày 25/4, hãng thông tấn KCNA nhận định việc mở rộng AUKUS sẽ biến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành “bãi mìn hạt nhân” (nuclear minefield) luôn chực chờ phát nổ. Trong khi đó, khi phát biểu tại cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) ở thủ đô Astana (Kazakhstan) hôm 26/4, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo các cơ cấu quân sự và chính trị do Mỹ định hướng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn AUKUS, có nguy cơ làm cho hệ thống an ninh trong khu vực trở thành hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm.    

Tại sao AUKUS muốn đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản? 

Dự định kết nạp đối tác không phải là ý tưởng “một sớm một chiều” mà trên thực tế đã được các thành viên AUKUS đề cập từ nửa sau năm 2023. Vào tháng 7/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ hy vọng mời các đối tác khác tham gia AUKUS trong tương lai để góp phần tiếp tục phát triển nhóm. Một tháng sau, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đã đề xuất AUKUS nên mời Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia hợp tác về công nghệ (tức trụ cột II). Trong khi đó, hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết Canberra kỳ vọng hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản về phát triển công nghệ.

Việc mở rộng đối tác tham gia vào trụ cột II trước hết có thể giúp tăng cường sự gắn kết về trao đổi công nghệ quốc phòng, từ đó tối đa hóa cơ hội chia sẻ chuyên môn, tài nguyên, các nỗ lực nghiên cứu và phát triển chung giữa các bên. Nhật Bản là một ứng viên có thể đáp ứng mong đợi này từ phía AUKUS. Chẳng hạn, ông Marles nhận định Tokyo là “nơi của sự đổi mới” (place of innovation) và “đi đầu về công nghệ” (at the cutting edge of technology). Chia sẻ góc nhìn trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho rằng “rõ ràng có những lĩnh vực mà Nhật Bản có thể mang lại năng lực đáng kể. Chúng bao gồm robot tiên tiến, các sáng kiến về an ninh ​​mạng và một số nhiệm vụ trong tác chiến chống tàu ngầm”.

Từ phát biểu của ông Marles và ông Campbell, việc mong muốn hợp tác với Nhật Bản còn nhằm bổ sung năng lực để hiện thực hóa tham vọng của AUKUS trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến (tức trụ cột II). Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh nền tảng công nghiệp quốc phòng của các quốc gia phương Tây đang suy giảm đáng kể trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Chẳng hạn, một số ước tính cho rằng ngành công nghiệp của Mỹ chứng kiến mức suy giảm lên tới 70%

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thêm đối tác cho AUKUS được kỳ vọng hỗ trợ Mỹ củng cố và duy trì hệ thống trật tự quốc tế mà nước này đã dẫn đầu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trật tự này đang bị thách thức bởi sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia trên khắp thế giới. 

Vào tháng 1, một quốc đảo ở Thái Bình Dương là Nauru đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan, thay vào đó thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Cũng trong tháng 1, Ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkatchenko xác nhận nước này đang đàm phán với Trung Quốc để sớm ký kết một thỏa thuận an ninh (mặc dù quốc đảo Thái Bình Dương trên có mối quan hệ an ninh rất tốt với Australia). Vì thế, AUKUS càng có động lực để mở rộng phạm vi hợp tác với các đồng minh bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường sức răn đe mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, ngăn quốc gia này phá vỡ trật tự hiện hành.  

Về phía Nhật Bản, trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (National Defense Strategy) được công bố vào năm 2022, nước này cũng xác định rõ rằng “Trong thời đại mà chiến thắng hay thất bại được quyết định bằng việc làm chủ các phương thức chiến tranh mới với những công nghệ tiên tiến, việc tận dụng các công nghệ hiện đại cho mục đích quốc phòng càng trở nên quan trọng”. Vì thế, việc hợp tác với AUKUS thông qua trụ cột II là cơ hội tốt để Tokyo tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) chung với Mỹ, Australia và Anh, hướng đến “thúc đẩy nền quốc phòng toàn diện”.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân chuyến thăm chính thức đến Washington hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tỏ ra thận trọng khi cho rằng Tokyo nhất quán ủng hộ và đang tăng cường hợp tác quốc phòng cùng Mỹ, Anh, và Australia; tuy nhiên, “hiện chưa có gì được quyết định” (nothing has been decided at this moment) về việc hợp tác trực tiếp với AUKUS. Trên thực tế, Nhật Bản cũng chưa từng công khai bày tỏ mong muốn hợp tác cùng nhóm đối tác an ninh này. Điều đó cho thấy: AUKUS có lẽ cần Nhật Bản hơn là Nhật Bản cần AUKUS. 

Mối ưu tiên hiện nay của Tokyo dường như đang tập trung vào việc cải thiện an ninh thông tin và ngăn chặn dữ liệu nhạy cảm bị rò rỉ. Vào ngày 10/5, Quốc hội đã thông qua “dự luật sử dụng thông tin mật” (security clearance bill), theo đó chính phủ có thể chỉ định thông tin nào là mật nếu xét thấy việc phổ biến thông tin đó có thể làm suy yếu an ninh quốc gia, và chỉ những cá nhân đã vượt qua kiểm tra lý lịch mới có thể truy cập được. Luật không nêu rõ những gì có thể được phân loại là tin mật, song các thông tin liên quan đến công nghệ tiên tiến dự kiến ​​sẽ được đưa vào nội dung này. Bất kỳ ai, sau khi được chứng minh là làm rò rỉ thông tin mật, sẽ bị trừng phạt tối đa 5 năm tù và/hoặc phạt tiền lên tới 5 triệu yen (khoảng 32.000 USD). 

Cơ chế an ninh nghiêm ngặt này có thể tác động đến lý do vì sao Nhật Bản vẫn chưa quan tâm đến AUKUS, vốn kỳ vọng các quốc gia chia sẻ thông tin bí mật về công nghệ quốc phòng.  

Trái ngược với Tokyo, nhiều quốc gia khác lại công khai mong muốn hợp tác với AUKUS. Trường hợp đầu tiên là New Zealand. Tại Hội nghị Tham vấn Bộ Trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia – New Zealand vào đầu tháng 2, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters đã đề cập đến triển vọng tham gia cùng AUKUS trong cuộc thảo luận. Cũng tại Hội nghị trên, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins khẳng định quốc gia này thực sự muốn xem xét cơ hội hợp tác với AUKUS, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và không gian. 

Hàn Quốc cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự như New Zealand. Tại Đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Hàn Quốc - Australia vào ngày 1/5, Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik cho biết Hàn Quốc đang xem xét việc chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến thuộc trụ cột II của AUKUS với các thành viên của tổ chức. Còn với Canada, Thủ tướng nước này là Justin Trudeau vào ngày 8/4 khẳng định đã trao đổi với các đối tác AUKUS về việc hợp tác, và thậm chí xa hơn là trở thành thành viên chính thức của tổ chức.

Tuy nhiên, như đã đề cập, AUKUS chỉ đang xem xét hợp tác với Nhật Bản, và không nhắc đến những quốc gia khác như New Zealand, Hàn Quốc và Canada. Trong bối cảnh Tokyo tỏ ra “khá thờ ơ” với động thái “đánh tiếng” của các nước thuộc AUKUS, nhiều khả năng tổ chức này sẽ chưa vội kết nạp thêm đối tác trong thời gian tới. 

Như vậy, AUKUS đã “bật đèn xanh” để cân nhắc mời Nhật Bản trở thành đối tác trong trụ cột II, với kỳ vọng tăng cường sự gắn kết về trao đổi công nghệ quốc phòng, hợp tác nâng cao năng lực, cũng như củng cố trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Tuy vậy, Tokyo vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức, trong khi nhiều quốc gia khác dù bày tỏ quan tâm nhưng hiện không nằm trong tầm ngắm của AUKUS. 

Khó cản bước tiến của Trung Quốc   

Trong khi Bắc Kinh đang đẩy nhanh các hoạt động mở rộng ảnh hưởng cả về chính trị lẫn kinh tế, thì có lẽ hai thành viên của AUKUS là Australia và Anh không thật sự chú trọng đến việc cản bước tiến của siêu cường này. Phải đến năm 2025, Anh mới có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lần thứ hai trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (lần trước đó vào năm 2021), nhưng chủ yếu là để tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. 

Hơn nữa, việc tham gia AUKUS của Anh có thể chủ yếu phục vụ cho các lợi ích kinh tế to lớn mà nước này hướng đến. Cụ thể, London là bên chịu trách nhiệm đóng chiếc tàu ngầm thế hệ mới SSN-AUKUS đầu tiên, sau đó sẽ chuyển giao cho Australia vào cuối những năm 2030, để từ đó Australia sản xuất những chiếc còn lại. Tuy nhiên, Anh vẫn là bên phụ trách chuyển giao lò phản ứng phản ứng hạt nhân làm giàu ở mức độ cao (HEU) – vốn được sử dụng trong những chiếc tàu ngầm. Điều này giúp mang lại gói thầu trị giá tổng cộng 4 tỷ bảng Anh (khoảng 5,1 tỷ USD) cho hai tập đoàn thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Anh là BAE Systems và Rolls-Royce (đơn vị cung cấp HEU). Cùng với đó, dự án sẽ góp phần tạo ra thêm hàng nghìn việc làm trong những thập kỷ tới, đặc biệt là ở thị trấn cảng Barrow-in-Furness (nơi đóng con tàu) và thành phố Derby (nơi đặt nhà máy Rolls-Royce Raynesway). Ngoài ra, dưới động lực của AUKUS, tập đoàn Rolls-Royce, kết hợp với Đại học Derby, Hội đồng Thành phố Derby, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Hạt nhân Tiên tiến và Trường Cao đẳng Hạt nhân Quốc gia đã thành lập “Học viện Kỹ năng Hạt nhân” (Nuclear Skills Academy) để đào tạo đội ngũ kỹ sư hạt nhân. 

Những sáng kiến ​​như vậy không chỉ có thể mang lại hiệu quả cho các hạm đội tàu ngầm của Anh trong tương lai, mà còn mang lại tác động mang tính chuyển đổi trong việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai của nước này, từ đó lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. 

Còn với Australia, động lực để ngăn chặn Trung Quốc thậm chí còn có thể ít hơn nữa. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Thủ tướng Anthony Albanese đã theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực hơn với Bắc Kinh. Có nhiều hoạt động ngoại giao đã diễn ra trong hai năm qua, thể hiện qua việc ông Albanese thăm Trung Quốc vào tháng 11/2023, và ở chiều ngược lại, Ngoại trưởng Vương Nghị và Thủ tướng Lý Cường lần lượt thăm Canberra trong tháng 3 và tháng 6 năm nay. Vì thế, Australia nhiều khả năng sẽ tiếp tục nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc sau những căng thẳng trong quan hệ song phương dưới thời Thủ tướng Scott Morrison thay vì cố gắng làm “phật lòng” đối tác của mình.            

Bên cạnh đó, tương tự như Anh, phía Australia cũng tham gia AUKUS chủ yếu vì những lợi ích riêng của mình. Australia mong muốn sở hữu đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để thay thế các tàu ngầm chạy bằng diesel, vì các tàu này hiện không còn phù hợp vì dễ bị phát hiện bởi vệ tinh, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, khiến chúng rất khó để di chuyển với phạm vi đường xa. Trong khi đó, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tàng hình tốt hơn, và tốc độ nhanh hơn gấp ba lần (khoảng 20 hải lý/giờ so với 6,5 hải lý/giờ của tàu diesel), nhờ đó có thể khắc phục những nhược điểm của các tàu chạy bằng diesel. 

Các đối tác tiềm năng của AUKUS như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng ở trong tình cảnh khó sẵn lòng gây áp lực đủ lớn lên Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo và Seoul. Thêm vào đó, vào tháng 5, ba quốc gia này đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh chung lần đầu tiên sau bốn năm tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), bàn luận về bảy vấn đề ưu tiên là giao lưu nhân dân; phát triển bền vững; kinh tế và thương mại; y tế công cộng và xã hội già hóa; khoa học, công nghệ; chuyển đổi kỹ thuật số; cứu trợ và an toàn thiên tai. Trong đó, nổi bật là nhất trí đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (Free Trade Agreement) giữa ba nước. Các quốc gia cũng nhất trí thể chế hóa tham vấn ba bên thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng và cấp cao định kỳ. 

Mặc dù nghi ngại về tham vọng ngày càng rõ ràng từ Trung Quốc, nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc về kinh tế với siêu cường này. Đối thoại ba bên cũng phản ánh thực tế rằng các nhà lãnh đạo vẫn cảm thấy cần phải giữ liên lạc với nhau, để cùng quản lý các căng thẳng trong khu vực. Trong tình thế như vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như chắc chắn không thể/không muốn thoát ly hoàn toàn khỏi các tương tác với Trung Quốc. Do đó, Tokyo và Seoul rất có thể cảm thấy rằng thời điểm hiện nay là chưa phù hợp để hợp tác chính thức với AUKUS, vốn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.       

Trước những áp lực chưa đủ lớn từ các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc không có lý do gì để làm chậm đi nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong thời gian tới, đặc biệt là với các quốc đảo Thái Bình Dương. Những quốc gia “tiềm năng” tiếp theo mà Trung Quốc có thể tiến hành chiến lược “tấn công quyến rũ” là Vanuatu (Bắc Kinh vừa tặng một khu phức hợp tòa nhà tổng thống) và quần đảo Solomon (Thủ tướng nước này dự kiến sẽ sớm tới thăm Trung Quốc).  

Về khía cạnh quân sự, Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân của mình. Trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc được nhận định là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất. Vào tháng 10/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có hơn 500 vũ khí hạt nhân đang hoạt động, và siêu cường châu Á dự kiến sẽ nhân đôi số lượng trên vào năm 2030. Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (U.S. Naval War College), Bắc Kinh đang phát triển hai chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là Type 095 (mang tên lửa hành trình) và Type 096 (mang tên lửa đạn đạo); nếu thuận lợi, các tàu này có thể đi vào hoạt động trong năm 2030. 

Tóm lại, sau gần ba năm thành lập, AUKUS đang bắt đầu cân nhắc mở rộng ảnh hưởng thông qua kết nạp thêm đối tác, nhưng hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Nhóm đối tác an ninh này cũng đang “hụt hơi” trong việc ngăn cản bước tiến của Trung Quốc cả về ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự. Do đó, AUKUS cần phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là Mỹ phải vận động hoặc gây sức ép để Anh và Australia cùng tham gia thực hiện các hành động thực chất hơn trong việc răn đe Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Từ khoá: AUKUS Nhật Bản Mỹ Anh Australia tàu ngầm hạt nhân

BÀI LIÊN QUAN